Tìm hiểu TT cà phê – Phần 1: Phân Tích và Dự Đoán

Là một người nông dân đầy duyên nợ với ngành cà phê, tôi cảm thấy buồn vui lẫn lộn khi nhìn thấy hình thầy bói sờ voi được đem ví với những “Nhà dự đoán” của chúng ta. Thật là một hình ảnh khá chính xác trong hoàn cảnh như hiện nay góp phần tạo nên những bài học cay đắng của một số khá lớn bà con đã tin vào những lời dự đoán “ẩu”.

Tuy nhiên nói đi thì cũng nói lại cho công bằng, tôi cũng không có ý định “giải oan” cho những nhà dự đoán “vung mạng”, à quên trên mạng nhưng thật sự công tác dự đoán cần một sự đầu tư cho nghiên cứu thông tin đầu vào nhằm làm cho sự dự đoán có cơ sở để tin tưởng, nghiêm túc phân tích thông tin một cách cẩn thận và có trách nhiệm.

Như chúng ta đã biết, tình hình chuyển biến giá cả cà phê trên thị trường thế giới phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố mà trong các bài viết trước đã nêu nhưng vẫn còn khá sơ sài vắn tắt, hôm nay tôi xin bổ sung một số ý kiến với hy vọng được thảo luận cùng bà con về sự phức tạp của ngành kinh doanh cà phê.

Kinh doanh cà phê không chỉ mua cà phê thực

Lượng cà phê giao dịch trên thế giới lớn gấp 5 lần (hoặc hơn nữa) lượng cà phê thực mà nông dân làm ra (sản lượng thế giới khoảng 127 triệu bao trong vụ 2009). Tức là cũng một bao cà phê ấy thôi, nhưng anh A bán cho anh B, rồi anh B bán cho chị C đều được tính vào lượng giao dịch hàng ngày trên thị trường.

Nói như thế để chúng ta có thể hình dung ra cái tính dự báo nó không chỉ quanh quẩn nằm trong tin tức như Brazil có bị sương giá hay không? Việt nam hạn hán như thế nào? Mà còn phụ thuộc vào những nhà đầu tư lớn tại một thời điểm nào đó họ đang ở vị thế nào?

Vị thế đang phải bán ra với những lô hàng “Giấy” mà họ đã mua vào trước đó hay cần mua vào những lô hàng “Giấy” để có mà giao hoặc mua vào để chờ giá lên theo phân tích của họ (cũng trên giấy tuốt), hành động của họ tác động rất lớn đến giá cả.

Việc phân tích tin tức hay đồ thị kỹ thuật trong những thời điểm như thế rất quan trọng cho việc dự đoán xu hướng giá sắp đến. Qua đây chúng ta có thể thấy nhà kinh doanh dùng cà phê như một mặt hàng kiểu chứng khoán cho việc kinh doanh của mình, mà không quan tâm đến những vấn đề một nắng hai sương của chúng ta.

Giả sử một nhà đầu tư đang ở vị thế bán nhận định Mỹ có khả năng đánh Iran và giá dầu trong thời gian ngắn có thể tăng lên 100USD thùng, sau khi tổng hợp và phân tích tình hình họ có khả năng bán mạnh số cà phê (giấy) mà mình đang có để lấy tiền mua dầu vào. Động tác bán cà phê như thế sẽ ảnh hưởng tức thì lên giá cà phê và tạo ảnh hưởng dây chuyền.

Người có thể tổng hợp và phân tích đến đây tạm xem như là đã sờ được cái chân của con voi và có thể nói là con voi giống cái cột đình.

Người phân tích phải ngó chừng giá trị tiền tệ của nước sản xuất và nước tiêu thụ

Một trong những nguyên nhân gây tăng giảm giá cà phê với tác động mạnh là giá trị đồng tiền của những nước sản xuất lớn hoặc của nước tiêu thụ.

Bà con cứ tưởng tượng giả sử tỷ giá hối đoái của Việt nam đồng hiện nay bỗng nhiên tăng lên 40.000 đồng ăn 1USD, thì mặc dù giá cà phê trên thị trường thế giới không tăng, nhưng tự nhiên giá mua cà phê nội địa sẽ tăng lên gấp đôi vì sự quy đổi và bỗng nhiên bà con nông dân chúng ta có thể ung dung bán cà phê với cái giá 60.000đồng/kg (nghe mà sướng nhỉ). Với giá này rõ ràng sẽ kích thích hàng loạt người đang nắm cà phê trong tay bán ra ồ ạt, hành động hè nhau đi bán cà phê đó, ngay lập tức sẽ tác động lên giá cà phê của thị trường thế giới.

Tội nghiệp cho những nước sản xuất khác trong thời điểm đó đồng tiền của họ vẫn đứng yên sẽ bị ảnh hưởng.

Việc này đã nhiều lần xảy ra và lần ấn tượng nhất mà tôi còn nhớ là vào khoảng năm 98-2000 khi đồng Real của Brazil sụt giảm so với đồng USD, đồng real lúc đó sụt đến mức hơn 3 real ăn 1USD (giá hiện nay hình như vào khoảng 1.8R/1USD). Cơn bão bán ra lúc đó đã như là màn khởi đầu của sự sụt giá do khủng hoảng thừa càng khủng hoảng thêm, tội nghiệp cho nông dân trồng cà phê Việt nam chúng ta cũng như một số nước sản xuất khác giống như bị một cú knoct-out rồi mà còn bị bồi thêm cho một đạp nữa. Giá một ký cà phê đã thua xa một ký cà pháo.

Bây giờ chúng ta thử nhìn lại sự tác động giá trị tiền tệ của nước tiêu thụ lên giá cà phê qua một ví dụ có thật:

Khi giá cà phê đang nằm ở mức thấp và từ các phân tích kỹ thuật cũng như tình hình khủng hoảng thừa vẫn chưa chấm dứt hẳn vào năm 2000, một số công ty (trong đó có bản thân tôi nữa) đã bán trước cho giao kỳ hạn và cũng đã thấy trước mức lời nắm được trong tay lúc đó sau khi bán mà giá vẫn còn sụt giảm dần. Do vẫn chưa vừa lòng với số lời mà mình đã có được, chúng tôi quyết định nấn ná chờ giá sụt giảm thêm, đúng như ông bà chúng ta thường nói: “tham thì thâm”, đó cũng là thời điểm bầu cử Tổng thống Mỹ và cuộc giằng co bất phân thắng bại trong quá trình kiểm phiếu giữa Ông Bush và ông Algor kéo dài nằm ngoài dự kiến của các nhà Chính trị lúc đó, ai mà biết chứ, mình làm cà phê còn tính chưa xong rảnh đâu mà đi để ý cái chuyện ai thắng ai thua ở Mỹ.

Nhưng không ngờ sự giằng co này đã khiến cho giới kinh doanh thận trọng bởi không biết phe Dân Chủ hay Cộng Hòa sẽ thắng, cổ phiếu bị ảnh hưởng, dân Mỹ lúng túng, chia rẽ, đến nỗi phe Cộng Hòa đã lên tiếng kêu gọi Algor hãy chấp nhận thua đi để kinh tế Mỹ không bị ảnh hưởng.

Cái đáng nói ở đây là giá USD giảm giá, mà chúng ta biết mua bán cà phê trên thế giới thì sử dụng USD để mà giao dịch cả trên hai thị trường London và New York, những nhà đầu tư, đầu cơ đang nắm các loại tiền tệ mạnh khác trong tay, như Euro hay bảng Anh đã bán tiền của họ ra để mua USD vào (vì USD giảm giá nên mua được nhiều USD hơn) rồi dùng USD ấy mà mua cà phê trong khi giá còn đang hạ. Hành động cả làng hè nhau mua cà phê lúc đó đã đẩy giá cà phê tăng ngược trở lại, một số nhà kinh doanh tiền tệ cũng đã có lời nhờ kinh doanh tiền tệ rồi nên cũng nới tay hơn khi mua cà phê vào. Tội nghiệp (mà cũng đáng đời) cho tôi và một số bạn bè kinh doanh cà phê đang nắm giữ vị thế mua lúc đó không những đã không ăn được mà còn phải bỏ vào thêm bởi cái tội PHÂN TÍCH không thấu đáo nên đưa ra DỰ ĐOÁN sai, cũng như tên thầy bói sờ voi, mới sờ được cái lỗ tai nên bảo con voi giống như cái quạt….

Còn thiên hình vạn trạng trong việc phân tích để đưa ra dự đoán nữa mà nếu các bạn không ngán đọc thì tôi sẽ xin hầu chuyện tiếp với các bạn trong bài viết tới ở phần “Cập nhật, Tổng hợp, Phân tích thông tin và Nhận định Phần 2”… (Còn tiếp)

Là một người nông dân đầy duyên nợ với ngành cà phê, tôi cảm thấy buồn vui lẫn lộn khi nhìn thấy hình thầy bói sờ voi được đem ví với những “Nhà dự đoán” của chúng ta. Thật là một hình ảnh khá chính xác trong hoàn cảnh như hiện nay góp phần tạo nên những bài học cay đắng của một số khá lớn bà con đã tin vào những lời dự đoán “ẩu”.

Các bài khác » Nhiều hơn

Gửi ý kiến